Các chuyên gia Trung Quốc kêu gọi giới chức tiến hành
kiểm tra ADN đối với hộp sọ được cho là của Tào Tháo mà người ta mới
tìm thấy.
China Daily cho biết, đề xuất trên được đưa ra do nhiều người cho rằng người đàn ông được chôn trong mộ không phải Tào Tháo.
“Thử ADN là một giải pháp tốt, nhưng tìm
kiếm hậu duệ thực sự của Tào Tháo trong thời đại ngày nay không phải
việc dễ dàng”, Li Meitian, giáo sư khoa lịch sử của Đại học Bắc Kinh,
phát biểu.
Theo ý kiến của giáo sư Li và các chuyên
gia khác, giới chức Trung Quốc nên so sánh mẫu ADN trên bộ xương của
người đàn ông trong mộ với ADN của Tào Thực, con trai Tào Tháo. Các nhà
khảo cổ tìm thấy 28 mẩu xương của Tào Thực vào năm 1951. Hiện nay những
mẩu xương này đang được bảo quản tại một bảo tàng của thành phố Tân
Hương, tỉnh Hà Nam.
[You must be registered and logged in to see this image.] |
Một bức chân dung Tào Tháo. Ảnh: sina.com.cn. |
Ngày 27/12, Cục quản lý di sản văn
hóa Trung Quốc tuyên bố các nhà khảo cổ đã khai quật mộ Tào Tháo trong
làng Xigaoxue, thành phố An Dương, Hà Nam. Giới chức cho hay, các công
nhân làm việc tại lò gạch trong làng phát hiện ngôi mộ khi xúc đất để
sản xuất gạch vào tháng 12/2008, nhưng vụ việc không được báo cáo với
chính quyền địa phương. Kể từ đó ngôi mộ bị đột nhập nhiều lần. Chẳng
ai xác định được chủ nhân của mộ cho đến khi giới chức thu giữ một số
bài vị có dòng chữ “chủ soái quân đội Ngụy quốc” trong quá trình truy
bắt những kẻ trộm.
Trong quá trình khai quật từ cuối năm
2008 tới nay, các nhà khảo cổ phát hiện xương của một người đàn ông và
hai phụ nữ. Họ cho rằng người đàn ông là Tào Tháo, còn hai người phụ nữ
là vợ và người hầu của ông. Ngoài ra trong mộ còn có hơn 250 di vật
được sắp xếp theo chiều đông-tây.
Nhiều học giả đã bày tỏ sự nghi ngờ về thân phận của người đàn ông trong mộ.
Lúc
sinh thời Tào Tháo nổi tiếng với bản tính đa nghi, không tin tưởng bất
kỳ ai. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp nhà quân phiệt này cũng có rất
nhiều kẻ thù. Trong di chúc Tào Tháo căn dặn rằng ông chỉ cần bộ trang
phục đơn giản sau khi chết và một nơi yên nghỉ đơn giản, không có những
vật quý báu. Vì thế nhiều người tin rằng, để hài cốt của Tào Tháo không
bị đánh cắp, con cháu họ Tào sẽ không để lại bất kỳ manh mối nào về
danh tính của ông trong mộ.
“Các tài liệu lịch sử nói rằng Tào
Tháo xây 72 ngôi mộ vì không muốn người ta đánh cắp thi thể ông. Vậy
thì những ngôi mộ khác nằm ở đâu?”, Yuan Jixi, một chuyên gia của Đại
học Nhân dân, nói.
Một số nhà khảo cổ cũng đặt câu hỏi về ngôi
mộ do nó không có văn bia ghi đích danh Tào Tháo. Họ tin rằng đó là
bằng chứng quan trọng nhất để xác định chủ nhân của mộ.
Một cuộc thăm dò ý kiến trên trang
sina.com cho thấy, 60% trong số 13.000 người tham gia cho rằng người
đàn ông trong mộ không phải Tào Tháo.
Minh Long