Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa người Việt. Ý nghĩa thiêng liêng nhất của ngày tết là để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Từ ngàn xưa, những phong tục đẹp đã được người Việt lưu truyền và gìn giữ. Những phong tục đó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng và tồn tại như những điều thiêng liêng nhất trong đời sống tâm linh của người Việt!Những phong tục đẹp trong ngày Tết ViệtKhông khí Tết phả vào từng nhà khi những bếp lửa nấu bánh chưng, bánh tét bắt đầu cháy bập bùng. Nấu bánh tét, bánh chưng là một phong tục từ lâu đời của người dân Việt Nam. Bánh tét, bánh chưng là bánh của ngày Tết, bánh cúng tổ tiên và còn là bánh của sự sum vầy. Từ khâu chọn nếp, làm nhân bánh, lau sạch lá gói, chuốt từng sợi dây gói bánh... mọi người chia nhau, mỗi người một việc. Rồi bếp lửa được đốt lên, mọi người lại ngồi bên nhau chờ bánh chín. Quây quần bên bếp lửa, họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về hành trình dài một năm, những đứa trẻ lại được nghe sự tích bánh chưng, bánh dày, những câu chuyện ý nghĩa về ngày Tết quê mình.
Đến ngày 23 tháng Chạp thì theo tập tục hằng năm ông Táo phải về chầu trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua. Ngày hôm đó, khắp các chợ lớn, chợ nhỏ đều vang tiếng rao “Cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời”. Sau khi mua đủ đồ cúng là 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép thì mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm gọi là “tiễn ông Táo về trời”. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông... Ngày ông Táo về trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.
Những món ăn ngày Tết cũng được chuẩn bị rất công phu. Từ củ kiệu, dưa hành cho đến thịt kho nước dừa, dưa giá… Không ai là người Việt mà không cảm khái thứ hương vị dân tộc và khó quên ấy: bánh tráng nhúng nước cho mềm, trải ra trên một tay, cho lên một miếng thịt mỡ, một miếng hột vịt, vài ba củ kiệu, ít dưa giá rồi cuốn lại, chấm vào tô nước thịt kho dằm miếng ớt.
Ngay sau lễ giao thừa, một năm mới đã thật sự gõ cửa từng nhà. Người Việt Nam tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người. Vì thế, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả mang sự may mắn và thịnh vượng đến cho cả nhà trong suốt một năm. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước. Đến nay, nhiều gia đình vẫn chọn người xông đất là người hợp tuổi với nhà mình.
Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp. Mọi người bày tỏ tình cảm với nhau bằng những lời chúc may mắn, sức khỏe, thành đạt… Người Việt Nam có câu: “Mồng một là Tết cha” nghĩa là sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết. Những đứa trẻ thì được lì xì những phong bao đỏ tươi.
Dù gió có thổi qua từng nếp nhà…“Dù gió có thổi” là một bộ phim mang đậm hơi thở cuộc sống. Những nhân vật trong phim cũng tất bật chuẩn bị một cái Tết cho riêng mình. Những phong tục đẹp của người Việt trong những ngày Tết đã được chuyển tải rất đầy đủ trong phim. Gia đình bà Ba thì gói bánh tét, gia đình bà Mỹ thì gói bánh chưng. Quây quần bên bếp lửa ấm nồng, mọi người trong gia đình sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn, những đửa trẻ như Linh, như Minh lại được nghe kể về sự tích bánh chưng, bánh dày, chuyện ông Táo về trời…
Những người phụ nữ trong gia đình như bà Nga, Dương, Phượng… lại tất bật chuẩn bị mua sắm tết. Sự chăm chút, yêu thương gia đình trong ngày tết dường như được thể hiện nhiều hơn. Họ bàn tính sẽ mua sắm gì cho ngày tết, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa thế nào để xuân về thật rộn ràng và yên vui. Còn những người đàn ông như ông Mẫn, Biệt, Tậu… thì chuẩn bị quà biếu cho bà con họ hàng, cho bạn bè thân quen. Những món ăn ngày Tết cũng được bà Mỹ, bà Nga và các cô con dâu chuẩn bị rất công phu. Từ củ hành, dưa kiệu đến nồi thịt kho trứng thơm lừng… Gia đình tứ đại đồng đường của bà Mỹ đang tất bật chuẩn bị cho một cái Tết đầy niềm vui – cũng như bao gia đình Việt Nam khác đang rộn ràng chào đón một năm mới về.
Bao nhiêu thời gian đã trôi qua nhưng những phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam vẫn được trân trọng và lưu giữ cho đến ngày nay. Những thước phim đẹp trong những tập phim “Dù gió có thổi” được phát sóng trong những ngày Tết trên HTV3 sẽ là một điểm nhấn đặc biệt cho khán giả xem truyền hình. Những thước phim gửi đi một thông điệp rất Việt: Dù gió có thổi thế nào thì cái hồn tết Việt vẫn cứ mãi đong đầy và vẹn nguyên trong từng nếp nhà. Ngọn lửa yêu thương trong một gia đình lớn như gia đình bà Mỹ chắc chắn sẽ lan tỏa hơi ấm đến những mái nhà Việt. Và những người đang quá tất bật với cuộc sống sẽ có những phút lắng lòng mình khi nhìn thấy một cái Tết ấm cúng sum vầy trên màn ảnh nhỏ….
Hồn Tết Việt đã được phả vào trong từng lời thoại, từng bối cảnh của những tập phim “Dù gió có thổi” dịp Tết này. Đây là một công việc không dễ dàng khi kịch bản gốc là kịch bản Hàn Quốc. Nhóm biên kịch TVM, với ý thức “Ta về ta tắm ao ta”, đã cố gắng chuyển tải hơi thở cuộc sống của người Việt vào trong từng câu chữ. Chính sự chăm chút này đã tạo được những dấu ấn đẹp và sự đồng cảm trong lòng người xem.
Sau 128 tập phát sóng, đạo diễn, các biên tập và các nhà sản xuất cũng như Ban giám đốc Đài truyền hình TP.HCM đã quyết định cho gió “ngừng thổi” từ ngày 11/2/2010. Lí do là những nhà làm phim muốn cùng nhìn nhận lại và tìm hướng đi mới mẻ, hấp dẫn và gần gũi nhất với hơi thở cuộc sống để “Dù gió có thổi” vẫn sẽ có một vị trí đẹp trong lòng khán giả xem đài. Quí khán giả sẽ được xem những thước phim đẹp về ngày Tết trong “Dù gió có thổi” trễ hơn một tháng so với thời gian thực tế. Trong thời gian “Dù gió có thổi” ngừng chiếu thì quí khán giả hãy cùng đón xem bộ phim “Thứ ba học trò” trong chương trình đặc biệt dành cho Tết. “Dù gió có thổi” sẽ lại “tiếp tục thổi” với tập 129 được phát sóng ngày 15/3/2010. Bộ phim sẽ tiếp tục lên sóng từ thứ 2 đến thứ 5 lúc 20g00 như thường lệ. Những tập tiếp theo của “Dù gió có thổi” hứa hẹn mang đến cho khán giả không khí mùa xuân, không khí của những ngày tết vui vẻ và an lành, tái hiện những phong tục đẹp của ngày tết cổ truyền Việt Nam bằng những thước phim đẹp và sống động nhất.
M.T
'' Dù Gió Có Thổi '' phát sóng 20h tối T2 đến T5 hàng tuần trên kênh HTV3