Tại hội thảo Giải pháp giảm ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn thành phố do
Sở Khoa học Công nghệ TPHCM tổ chức ngày 1/7, nhiều đại biểu đều đồng
tình rằng: nếu thành phố quyết tâm, sẽ chống được nạn kẹt xe.
Xe gắn máy là những “kẻ” chiếm đất TP PGS-TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TPHCM) thẳng thừng quy kết: “Xe gắn
máy (XGM) là những “kẻ” chiếm đất TP, là thủ phạm gây tắc nghẽn giao
thông”. Theo ông thì mỗi người đi XGM chiếm đến 12m2 diện tích đường khi
lưu thông và chiếm 2m2 diện tích khi đậu trong nhà, vỉa hè hay lòng
đường.
Trong khi đó, số lượng XGM trên địa bàn TP đã đạt đến con số khủng
khiếp: hơn 4,1 triệu xe, đạt tỷ lệ 600 xe/1.000 dân. Theo ông Mai thì
TPHCM có tỷ lệ XGM cao nhất thế giới, gấp 2 - 3 lần các TP lớn khác
trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Malaysia), Taipei (Đài
Loan)….
Ông còn quy cho XGM hàng loạt “tội danh” như: TPHCM mỗi năm có 1.000 -
1.200 người chết do TNGT, trong đó 71% do XGM; tiêu hao nhiên liệu của
XGM cao gấp 92 lần so với xe buýt; mức độ gây ô nhiễm môi trường của
người đi XGM cao gấp 39,3 lần người đi xe buýt…
Ông dự báo: “Theo tình hình tăng XGM như hiện nay thì đến năm 2011, TP
sẽ có 4,5 triệu XGM. Như vậy thì tắc nghẽn giao thông là tất yếu. Nếu cứ
để tăng mãi thì liệu đến năm 2020, TP còn kiểm soát được giao thông
không?”.
Chính vì những lý do trên, để hạn chế kẹt xe, ông kiên quyết đề xuất:
“Không nên nhìn nhận XGM như một phương tiện giao thông trong đô thị lớn
như TPHCM”.
TS Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo
lường Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) cũng cho rằng: “Cần phải ngưng
sử dụng XGM và cả xe đạp trong giờ cao điểm. Sau một thời gian có thể
tiến tới ngưng hoàn toàn. Ngoài ra cũng cần hạn chế xe con cá nhân trong
giờ cao điểm, trừ taxi và các loại xe ưu tiên”.
Nếu quyết tâm sẽ làm được Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: “Nếu quyết tâm thì làm được. Trước sau
gì cũng phải làm như vậy. Trung Quốc cách đây 15 - 20 năm, các TP lớn có
điều kiện như ở các TP lớn của ta. Vậy mà đến nay đã có hàng trăm TP ở
Trung Quốc không còn sử dụng XGM”.
Về phản ứng của người dân, ông cho rằng: “Tâm lý phản ứng với một cuộc
đổi mới, thay đổi nếp sống, nếp sinh hoạt… là chuyện bình thường. Chúng
ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen vì
mục tiêu lớn, vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời đã quyết định thì phải
kiên quyết làm, nửa vời là không thành công. Điều này cần quyết tâm của
lãnh đạo”.
Ông Phạm Xuân Mai cũng cho là: “TPHCM hoàn toàn có thể thực hiện được
việc hạn chế XGM song song với phát triển vận tải hành khách công cộng
để chống kẹt xe nếu biết cách làm và kiên quyết thực hiện”.
Và ông cũng đề xuất cách làm cụ thể: “Chúng ta không cấm đi XGM trong
TP, vì đó là quyền của người dân. Nhưng chúng ta có thể áp dụng nhiều
biện pháp để gia tăng các bất tiện cho người đi XGM một cách tự nhiên,
làm nản lòng người đi XGM”.
Các biện pháp “làm nản lòng người đi XGM” mà ông đề xuất là: hạn chế
nhập khẩu XGM và không khuyến khích phát triển công nghiệp XGM, đánh
thuế cao XGM sản xuất trong nước… để nâng giá thành xe; tăng phí đăng ký
xe, áp dụng phí sử dụng xe hằng năm, thu thuế ô nhiễm môi trường cho
XGM; không xây dựng mới các bãi giữ XGM ở trung tâm TP, tăng giá giữ xe…
Ông cho rằng: “Tất cả những biện pháp trên sẽ góp phần giảm sự đi lại
bằng XGM trên các tuyến đường và khu vực đã có hệ thống xe buýt. Người
dân buộc phải lựa chọn đi xe gì là tiện lợi nhất, đặc biệt là học sinh,
sinh viên, cán bộ công chức có lộ trình đi lại cơ bản là cố định. Họ sẽ
bỏ dần thói quen sử dụng XGM một cách tùy tiện”.
Hình chủ xị
[You must be registered and logged in to see this image.]